Phong cách sang trọng, nụ cười sáng ngời, tư duy sâu sắc và là điểm tựa cho hàng trăm ngàn bạn trẻ trên khắp nước Việt. Một con người xa quê thành đạt luôn đau đáu nghĩ và hành động cho quê hương. Ông chính là Phan Văn Trường – Giáo sư, Cố vấn của Chính phủ Pháp về Thương mại Quốc tế, một người Việt đáng tự hào.
Tiểu sử và sự nghiệp Giáo sư Phan Văn Trường
Vài nét tiểu sử tác giả
Phan Văn Trường sinh ngày 27/7/1946 tại Hải Dương, học trung học rất bình thường nhưng từ thời cấp 3 đi du học bên Pháp và nhanh chóng trưởng thành, trở thành một vị giáo sư đức cao vọng trọng với rất nhiều thành tựu.
Hiện tại, ông được biết đến với vai trò giáo sư, giảng viên, cố vấn, doanh nhân, nhà thương thuyết tài ba và một sự nghiệp văn chương, diễn thuyết đáng ngưỡng mộ.
Sự nghiệp của giáo sư Phan Văn Trường
Năm 1970, Ông tốt nghiệp ngôi trường kỹ sư nổi tiếng nhất ở Pháp – Trường Cao Đẳng Quốc Gia Cầu Đường. Sau đó tiếp tục nghiên cứu sinh Tiến sĩ năm 27 tuổi và được mời làm GS Giảng viên tại Đại Học Paris 1-Panthéon Sorbonne về Bộ Môn Quy Hoạch Vùng và Kinh Tế Đô Thị.
Ông lên vị trí lãnh đạo cấp cao tại 2 tập đoàn điện lực nổi tiếng là Tập đoàn Alstom và Suez – được mệnh danh là “chuyên gia sắc bén” làm cho ngành điện lực Nhật đảo điên. Ông Phan Văn Trường tham gia tái cấu trúc ngành điện lực thế giới những năm 80 – 92 và đã ký được 2 hợp đồng tầm cỡ nhất thế giới về điện lực và xe điện với tổng giá trị 60 tỷ usd, đó là dự án Combined Cycle Epon (9 trục 1000MW) và dự án “Đường sắt Cao Tốc Seoul Busan” tại Hàn Quốc.
Trong 40 năm sự nghiệp của mình, ông đã làm việc ở cương vị lãnh đạo tại nhiều tập đoàn đa quốc gia và tiếp xúc với nhiều chính khách nổi tiếng bậc nhất thế giới, ông trở thành một nhà đàm phán sắc bén và được mời làm cố vấn cấp cao về Thương mại quốc tế cho Chính phủ Pháp.
Một vị giáo sư hết lòng vì quê hương
Năm 2004, ngay khi trở về quê hương ông Phan Văn Trường lao vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước với rất nhiều vai trò, trọng trách như kỹ sư, giáo sư đa ngành, nhà tư vấn, nhà kinh tế, nhà quản trị trong hầu hết ngành nghề.
Từ đảm nhận vai trò giáo sư giảng dạy cho sinh viên các chuyên ngành Quy Hoạch Vùng và Kinh tế, Quản trị kinh doanh cho đến tham gia Ban điều hành, HĐQT của nhiều Tập đoàn lớn trong nước như Hòa Bình, Tân Hiệp Phát.
Cho đến thành lập Câu Lạc Bộ Khởi Nghiệp Nông Nghiệp Việt Nam từ năm 2017, chỉ sau 18 tháng đã có 23.000 thành viên là những bạn trẻ muốn khởi nghiệp làm nông.
Tổ chức hơn 100 hội thảo để truyền tải kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ trẻ và cho đến nay dù đã ở tuổi 75 giáo sư Trường vẫn đều đặn tham gia khách mời, cố vấn, nhà tư vấn cho nhiều diễn đàn, hội thảo, sẵn sàng cộng tác trong những hội thảo tổ chức miễn phí.
Ông cũng đích thân trả lời hơn 100 thư riêng mỗi tuần từ mọi người, mọi miền, mọi vấn đề.
Giải thưởng, vinh danh
– Năm 1990: Được Tổng thống Pháp Jacques Chirac phong tặng danh hiệu Hiệp Sĩ Đài Ghi Công Trạng.
– Năm 2006: Được Tổng thống Mitterrand phong tặng Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh
– Năm 2010: Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng Huy chương Vì Sự Nghiệp Giáo Dục trong buổi lễ long trọng tổ chức tại Hà Nội.
Sách hay của tác giả
Trong sự nghiệp văn chương của mình, Giáo sư Phan Văn Trường đã viết tổng cộng 120 truyện ngắn bằng tiếng Pháp từ năm 2004 – 2016 và được đăng tải đều đặn trên mạng với 5000 độc giả thường trực.
Về sách, ông đã viết 2 cuốn sách cực kỳ giá trị bằng tiếng Việt: Một đời thương thuyết (2014) được nhận giải “Sách hay 2016” đã tái bản 17 lần và Một đời quản trị (2017) tái bản 5 lần. Năm 2019 ông tiếp tục ra mắt độc giả cuốn sách thứ ba mang tên Một đời như kẻ tìm đường.
Cuộc đời và sự nghiệp đáng ngưỡng mộ của giáo sư Phan Văn Trường thêm một lần nữa khiến chúng ta tự hào về người Việt và noi theo tấm gương sáng ngời của thầy.