Thí nghiệm nhà tù Stanford của nhà tâm lý học Philip Zimbardo là một công trình nổi tiếng và gây nhiều tranh cãi về đạo đức con người. Sau thí nghiệm này, ông xuất bản cuốn sách The Lucifer Effect, trình bày về sự biến đổi tâm lý thiện và ác trong một con người. Bất kể ai trong chúng ta đều có thể trở thành người xấu? Bài viết này, Eccthai cùng bạn đọc tìm hiểu và bàn luận về Hiệu ứng Lucifer là gì?
Tại sao gọi là Hiệu ứng Lucifer?
Lucifer là ai?
Lucifer được hiểu là “tỏa sáng” hay “sao mai”. Trong Kinh Thánh, Lucifer là thiên thần được chúa yêu thương và có quyền năng tối thượng. Sau đó, Lucifer đã phản bội lại đức tin, khơi mào cuộc chiến tranh trên Thiên Đàng. Khi thất bại, Lucifer bị trục xuất xuống địa ngục trở thành quỷ dữ Satan. Đây chính là câu chuyện “Thiên thần sa ngã”.
Hiệu ứng Lucifer đại diện cho việc một con người luôn chứa đựng cả phần thiện và ác trong mình.
Cuốn sách The Lucifer Effect (Hiệu ứng Lucifer) viết bởi Philip Zimbardo dựa trên nghiên cứu về đạo đức, sự biển đổi tâm lý thiện và ác này.
Thí nghiệm Nhà tù Stanford
Tháng 8 năm 1971 tại Đại học Stanford, Với khoản tài trợ của chính phủ từ Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Hoa Kỳ, ông đã tiến hành nghiên cứu nhà tù Stanford. Mục tiêu của Zimbardo đối với nghiên cứu Nhà tù Stanford là đánh giá tác động tâm lý đối với một người khi trở thành tù nhân hoặc cai ngục.
Thí nghiệm với các nam sinh viên nộp đơn tham gia, được kiểm tra sức khỏe thể chất và tinh thần ở trạng thái ổn định. Những người này được chỉ định ngẫu nhiên làm “tù nhân” hoặc “lính canh” trong một nhà tù giả nằm ở tầng hầm của tòa nhà tâm lý học tại Stanford.
Các tù nhân bị giam trong một phòng 6’ x 9’ với những cánh cửa thép đen. Đồ đạc duy nhất trong mỗi phòng giam là một cái cũi. Phòng biệt giam là một cái tủ nhỏ không có ánh sáng.
Chưa đầy hai ngày sau khi nghiên cứu, một tù nhân bắt đầu bị trầm cảm, nổi cơn thịnh nộ không kiểm soát, khóc và các rối loạn chức năng tâm thần khác. Một tù nhân tuyệt thực, sau đó bị cai ngục giam trong phòng biệt giam 3 giờ (quy định chỉ 1 giờ).
Các tù nhân và cai ngục đã nhanh chóng thích nghi với vai trò của họ, vượt ra khỏi ranh giới của những gì đã được dự đoán và dẫn đến những tình huống nguy hiểm và tổn hại tâm lý. Các cai ngục lấy đi nệm của tù nhân bắt họ phải nằm trên sàn, sử dụng xô làm nhà vệ sinh và không cho phép đổ xô…Sau 6 ngày, thí nghiệm đã phải hủy bỏ vì mọi thứ vượt quá giới hạn.
Zimbardo phản ánh một thông điệp từ nghiên cứu là: “các tình huống (situation) có thể có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn đến hành vi của chúng ta so với hầu hết mọi người đánh giá, và ít người nhận ra điều đó.
Hiệu ứng Lucifer = Hoàn cảnh (Situation) + Quyền lực (Power) + Hệ thống (System)
Như trong thí nghiệm, khi các sinh viên được đưa vào hoàn cảnh cai tù và có quyền lực trong tay, cùng với hệ thống nhà tù đã khiến họ trở nên tàn bạo đến bất ngờ.
Ranh giới mong manh giữa Thiện và Ác
Qua Hiệu ứng Lucifer: Zimbardo nói rằng con người không thể được định nghĩa là thiện hay ác bởi vì chúng ta có khả năng hành động như cả hai đặc biệt là khi hoàn cảnh xảy ra.
Philip Zimbardo cho rằng có bảy quá trình xã hội bôi trơn “con dốc trơn trượt của cái ác”:
- Vô tâm thực hiện bước nhỏ đầu tiên
- Khử nhân đạo của những người khác
- Khử cá nhân của bản thân (ẩn danh)
- Phân chia trách nhiệm cá nhân
- Tuân theo quyền hạn một cách mù quáng
- Sự phù hợp không đáng có với các chỉ tiêu nhóm
- Thụ động khoan dung với cái ác thông qua việc không hành động hoặc thờ ơ
Hiệu ứng Lucifer trong cuộc sống
Hiệu ứng Lucifer lý giải rất nhiều những hành vi thuộc về mảng tối của xã hội. Ví dụ:
- Một người kế toán có thể sẽ bắt đầu ăn cắp khi không ai giám sát hoạt động của họ.
- Một đứa trẻ sống trong gia đình bị bạo hành có thể bắt nạt bạn nó khi tới trường.
- Một giáo viên mầm non có thể bạo hành những đứa trẻ…
Tất cả những sự kiện xã hội như chúng ta vẫn thấy, có thể giải thích bằng Hiệu ứng Lucifer. Một con người bình thường, thậm chí tốt bụng cũng có thể trở thành người xấu khi họ được đặt vào hoàn cảnh tới ngưỡng cho phép họ làm điều đó.
Lời kết
Hiểu về Hiệu ứng Lucifer có thể cho chúng ta một góc nhìn khách quan hơn. Từ đó thấy được đầy đủ các khía cạnh có thể trở thành nguyên nhân và sinh ra hậu quả kéo theo trong dự đoán. Hiệu ứng Lucifer có tính tâm lý học ứng dụng cao trong cuộc sống mà mỗi doanh nghiệp, nhà trường, gia đình, xã hội…có thể cảnh giác, có biện pháp để cải thiện cho một kết quả tốt đẹp hơn.
Đối với mỗi cá nhân, chúng ta có thể ứng dụng hiệu ứng Lucifer để cảnh giác trong mọi hoàn cảnh. Bởi ranh giới bước chân tới cái ác có thể chỉ bắt đầu từ một sự vô tâm nhỏ!