Bạch Lạc Mai dòng chảy dịu hiền của văn học Trung Quốc

Bạch Lạc Mai tâm tính như lan thảo, cốt cách tựa hoa mai, tạc vào những áng văn một sắc thái bình lặng êm ả như chính con người cô vậy. Được mệnh danh là “ẩn sĩ tài nữ” của văn đàn Trung Quốc đương đại, Bạch Lạc Mai là một trong những tác giả được mến mộ hàng đầu. Eccthai mời bạn đọc cùng tìm hiểu đôi điều về nữ sĩ tuyệt vời này.

Bạch Lạc Mai là ai?

Bạch Lạc Mai là một tác giả, nhà văn nổi bật tại Trung Quốc. Cô tên thật Tư Trí Tuệ. Sinh trưởng trong một gia đình êm ấm, ở vùng Giang Nam non nước hữu tình. Mẹ và Bà ngoại là những người có ảnh hưởng sâu sắc đến nét văn của cô.

Rất ít thông tin về Bạch Lạc Mai được hé lộ. Bạn đọc chỉ có thể âm thầm suy đoán đôi điều về tác giả này qua “Người là cuộc tu hành đẹp nhất kiếp này của Tôi”.

bach lac mai

Sau khi lấy chồng sinh con, cô lui về ở ẩn, cùng chồng sống bình lặng qua ngày, đam mê với viết lách, chăm trồng cỏ cây và yêu thương con gái nhỏ. Gia đình hạnh phúc bình dị đơn sơ bên dòng sông Dương Tử thơ mộng hiền hòa. Con gái nhỏ của Bạch Lạc Mai tên Tiểu Trà, xấp xỉ 10 tuổi, có nhiều nét tính cách giống mẹ. Cô hi vọng con gái mình sẽ có một cuộc đời bình yên, tránh xa sóng gió hồng trần.

Đó gần như là tất cả những gì bạn đọc có thể biết về Bạch Lạc Mai trên mạng xã hội. Cô từ chối phỏng vấn, chưa từng ký tặng sách,… Tài năng thì vẫn luôn được công nhận. Vậy nên mới có biệt danh “tài nữ ẩn danh”.

Bạch Lạc Mai quan niệm mọi thứ trên đời này đều là duyên phận, tụ tan ly hợp là chuyện tất yếu của đời người. Ai rồi cũng sẽ trải qua. “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ”, có duyên ắt sẽ gặp lại, không duyên có cưỡng cầu cũng không được. Vậy nên cô chỉ mong mỗi một trái tim trên thế gian này đều có thể nguyện theo ý trời mà sống thật vui vẻ.

Bạch Lạc Mai – Một nét văn thanh sạch giữa thời cuộc

Văn chương của Bạch Lạc Mai thanh tịnh như chén trà buổi sớm, làm con người ta thư thái dễ chịu. Lại cũng như ly cà phê ban chiều khiến lòng người say đắm. Trong tất cả tác phẩm của mình, “tài nữ ẩn danh” thể hiện từng con chữ thanh sạch, sâu lắng lại nhuốm đầy thiền ý, pha trộn một chút riêng của triết lý nhà Phật. Từng trang văn thể hiện nét đẹp dung dị, an yên, vốn dĩ rất khó bắt gặp giữa đời xô bồ.

Bạch Lạc Mai đã thổi luồng gió tươi mát mùa hạ vào dòng tản văn hiện đại Trung Quốc. Không lối viết cầu kỳ, chọn phong cách lãng đãng, rất riêng, bình đạm mà chất chứa muôn màu muôn vẻ của cuộc sống.

Cái hay của văn chương là ở cảm xúc. Bạch Lạc Mai phải là con người như thế nào mới có thể viết nên những lời văn đẹp đẽ đến như vậy? Nếu không phải nguyện ý hướng về bến bờ bình yên. Nếu không sống cuộc đời ung dung tự tại, không bon chen hối hả. Nếu không toàn tâm toàn ý trau chuốt từng câu từ. Sao có thể chạm đến nơi sâu thẳm và cũng là yếu mềm nhất trong trái tim độc giả?

Những áng văn bất hủ của Bạch Lạc Mai

Bạch Lạc Mai mang chất văn đầy lãng đãng, nhẹ nhàng, đậm chất thiền. Lại được chiếu rọi bằng chiêm nghiệm của chính mình qua non nửa đời người. Cô gái nhẹ nhàng vùng sông nước Giang Nam đã dệt nên biết bao đám mây ngũ sắc bằng lời hay ý đẹp của tâm hồn mình.

Cô viết nhiều thậm chí là rất nhiều, văn của Bạch gia nhẹ nhàng mà sâu lắng, âm thầm tạc vào lòng độc giả những ấn ký không thể xóa nhòa.

Một số tác phẩm của cô đã được xuất bản tại Việt Nam

bach lac mai la ai

Một số trích dẫn hay trong sách của Bạch gia

“Đời người thật mỉa mai làm sao, những mộng ước bạn theo đuổi, lại luôn xa vời với bạn. Hoàn mỹ là một thứ xa xỉ, duy chỉ có cảm giác thiếu thốn mới đem lại được sự vĩnh viễn mà chúng ta muốn.” _Trích dẫn “Ngoảnh lại đã một đời”

“Đi khắp vạn dặm non sông, bỗng nhiên quay đầu, chuyện ân thù hoan lạc trong giang hồ đã thành nhẹ như mây trôi gió thoảng.”_Trích dẫn “Năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên”

“Gặp nhau, quen nhau giữa biển người mênh mông chính là duyên, lưu lạc giữa hồng trần lại không lãng quên chính là duyên. Gặp gỡ, là một kiếp nạn hạnh phúc, cũng là một nét đẹp sai lầm. Quên nhau là một sự khởi đầu hoang mang, cũng là một kết thúc trong trẻo.”_Trích dẫn “Gặp lại chốn hồng trần sâu nhất”

“Mọi sự gặp gỡ trên thế gian đều là cửu biệt trùng phùng”_Trích “Duyên”

Có lẽ độc giả cũng không còn đủ sức thoát ra khỏi những câu chữ tuyệt thế để tìm hiểu xem Bạch Lạc Mai là ai. Chỉ cần yêu văn của cô là đủ rồi!

2 bình luận về “Bạch Lạc Mai dòng chảy dịu hiền của văn học Trung Quốc”

Bình luận đã đóng.