Nhờ vai trò lịch sử trong 2 cuộc chiến tranh Pháp – Mỹ, Việt Nam đã có tiềm năng để nổi tiếng và tạo thiện cảm với nhân dân thế giới. Tuy nhiên nhiều năm từ ngày chấm dứt chiến tranh, hình ảnh Việt Nam đã mờ dần trong trí nhớ của những thế hệ trẻ sau này. Sự thiếu vắng những thành quả ấn tượng trên mọi lãnh vực từ kinh tế đến khoa học, từ nghệ thuật đến thể thao đã bào mòn thương hiệu Việt Nam. Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí là cuốn sách tổng hợp về tình hình này và đưa ra giải pháp cũng như những lời để ngỏ cho thế hệ sau viết tiếp câu trả lời. Cùng Eccthai tìm hiểu về cuốn sách của tiến sĩ Alan Phan qua bài viết sau.
Tóm tắt nội dung sách Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí
Phần 1: Căn bản đạo đức
Trong phần 1 của Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí, Alan Phan đề cập tới khái niệm Tài sản mềm của Việt Nam và Mỹ. Tài sản mềm không đong đếm bằng số lượng. Đối với con người, đó là sự năng động, sáng tạo. Đối với đất nước, đó là thương hiệu quốc gia. Trong một xã hội, đó là nền văn hóa mà con người tạo dựng. Tài sản mềm xuất hiện trong mọi lĩnh vực, đó là tiềm năng, là bước đà để cả dân tộc có thể tạo cú hích thay đổi hiện tại.
Do đó, chúng ta cần đi theo 5 nguyên lý cho một nền kinh tế thực:
- Dân có giàu, nước mới mạnh
- Phải có phủ định mới có sáng tạo
- Giá thị trường luôn luôn chiến thắng
- Giấy tờ hay lời nói không thể sản xuất được giá trị
- Cha chung không ai khóc
Phần này tác giả cũng dành một chương đặt câu hỏi cho “thế hệ 9X làm quan hay làm ăn” và đưa ra giải pháp “giấu bụi dưới thảm” có thể ứng dụng cho doanh nghiệp Việt Nam.
Phần 2: Vấn nạn kinh tế – xã hội
Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí phần 2 chỉ ra hai điểm yếu chết người của doanh nghiệp Việt Nam. Đó là khả năng quản trị tài chính và rủi ro về đạo đức, kỷ cương. Các doanh nghiệp muốn phát triển bền vững phải tìm ra giải pháp cho hai vấn đề này và đặt ra tầm nhìn trung/dài hạn để cân bằng giữa lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội.
Tiến sĩ Alan đề cập tới “Đầu tư đa ngành là căn bệnh hoang tưởng”, và lạm phát cái mác thành đạt rất đáng suy ngẫm ở đây.
Phần 3: Tư duy về giải pháp
Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí sau khi đặt ra các vấn đề, đồng thời tác giả gợi ý những góc nhìn của mình về giải pháp cho nền kinh tế và xã hội trong thời kì mới. Những cơ hội làm giàu, thị trường chứng khoán, vàng, bất động sản, và đặc biệt là về cách tiếp cận nguồn vốn. Bài toán đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn trở thành một thị trường tiềm năng đối với khu vực và thế giới, sự chuẩn bị tâm thế và thay máu cần diễn ra như thế nào.
Phần 4: Góc nhỏ bình yên
Sau những dòng chữ sắc cạnh về kinh tế và xã hội nói chung, Alan Phan luôn trở về với những điều nhẹ nhàng cũng chính là nơi làm nền tảng của cuộc sống. Không có bữa ăn nào miễn phí kể lại câu chuyện về cà phê với ông Vũ Trung Nguyên, trở lại với tình yêu đất nước, về cho và nhận…
Đặc biệt cuối cuốn sách là một góc nhỏ bình yên tác giả nói về những điều đáng yêu của Việt Nam, cho chúng ta thấy tâm hồn luôn hướng về đất nước thầm lặng mà cũng mạnh mẽ của ông.
Thông tin sách và Tác giả
Thông tin sách
Tên sách: Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí
Tác giả: Alan Phan
Thể loại: Kinh doanh
Nhà xuất bản: NXB Văn hóa Dân tộc
Năm xuất bản: 2016
Về tác giả Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí
Tiến sĩ Alan Phan nổi tiếng nhất với các bài bình luận, phân tích kinh tế, xã hội Việt Nam trên trang blog Góc nhìn Alan. Ông cũng là một nhà đầu tư xuất chúng khi là người Việt đầu tiên đưa công ty Harcourt niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 1997 và đạt thị giá 700 triệu USD vào năm 1999.
Trong 70 năm cuộc đời, tiến sĩ Alan Phan đã dành tới 42 năm bôn ba tại Mỹ và Trung Quốc để làm kinh doanh. Người ta ví Alan Phan như Fukuzawa Yukichi (tác giả sách Khuyến Học) của Việt Nam bởi tư duy rộng mở, luôn có ý thức vươn lên làm giàu bởi chính sức lực cá nhân, với mục đích cao đẹp là hướng tới “dân giàu, nước mạnh”.
Alan Phan sinh năm 1945, mất năm 2015, ông để lại di sản 11 cuốn sách cho độc giả cùng rất nhiều bài viết giá trị: Sách Góc Nhìn Alan – Dành Tặng Doanh Nhân Việt Trong Thế Trận Toàn Cầu, Bí mật Phan Thiên Ân…
Lời kết
Vai trò của Việt Nam sẽ như thế nào trong chiến lược kinh tế khu vực và toàn cầu? Bài học nào chúng ta học được từ Không Có Bữa Ăn Nào Miễn Phí? Hãy đọc sách và tự trả lời câu hỏi ấy với bản thân mình, đó cũng là vai trò của mỗi chúng ta đối với đất nước này, bằng những hành động cụ thể dù nhỏ bé.