Ngày nọ, cô cháu gái gần 5 tuổi đặt câu hỏi cho tôi: “Tại sao lại cứ buổi sáng, ăn cơm, buổi tối rồi đi ngủ rồi lại buổi sáng, buổi tối…mãi như thế ạ?” Sau khi trả lời theo cách dành cho đứa trẻ 5 tuổi, tôi đã suy nghĩ về việc con người ta vô hình luôn có những tò mò và thắc mắc về một cái gì đó mà tôi sẽ dùng từ Lẽ Sống trong trường hợp này.
Với một đứa trẻ, nó thắc mắc có thể vì nó thấy chán khi phải ăn cơm hay đi ngủ trong khi nó chỉ muốn dành thời gian để chơi, chứ ít khi là có thể suy tư về lý do tồn tại. Còn với những người tôi tạm dùng từ “người lớn” như chúng ta, câu hỏi “Ý nghĩa cuộc sống là gì?” ắt hẳn luôn ở đâu đó quanh quẩn, khi thì hiện lên rõ rệt, rồi lại bị nhiều thứ khác che lấp lại, có người đã tìm thấy, và cũng vô số người còn mơ hồ.
Sau khi Eccthai chia sẻ bài viết về cuốn sách Đi Tìm Lẽ Sống của tác giả Viktor Frankl, chúng tôi muốn cùng bạn đọc bàn luận về chủ đề Lẽ sống là gì trong bài viết này.
Lẽ sống là gì?
Nếu tôi định nghĩa Lẽ sống là ý nghĩa cuộc sống, là lý tưởng sống, là gía trị sống thì cũng tương tự nhau vậy. Đó là những ý niệm thuộc về phi vật chất mà chúng ta cùng gọi theo các khái niệm để dễ dàng hơn trong việc bàn luận. Vậy rốt cuộc nó là cái gì?
Theo quan điểm của tôi, trước hết nó là một khái niệm. Theo cách lập luận triết học, Lẽ sống là chủ thể đang được nói đến, vậy ta phải có đối tượng của chủ thể. Đối tượng của Lẽ sống ở đây là gì? Chính là chúng ta, là con người. Vậy Lẽ sống chính là hành trình làm người.
Tính chất của lẽ sống
Tính chất 1: tính đa dạng và cá nhân hóa
Tôi nêu tính chất này lên đầu tiên bởi vì sẽ có nhiều người hiểu lầm lẽ sống là một cái gì đó cụ thể, áp dụng chung cho loài người, để rồi mải miết đi tìm, cầu thầy cầu bạn giống như đi tìm kho báu trong câu chuyện Nhà Giả Kim của tác giả Paulo Coelho. Santiago chắc hẳn không coi kho báu đầy vàng bạc là lẽ sống của mình nếu như bạn đã đọc cuốn sách này.
Quay trở lại việc Lẽ sống là hành trình làm người, mỗi cá nhân đều có các vấn đề về tiền tài, công danh, tình yêu, tình bạn…, nhưng do tính cách, hoàn cảnh và cuộc đời khác nhau, nên các vấn đề gặp phải cũng được cá nhân hóa và phải giải quyết theo những cách riêng biệt. Lẽ sống của vị bác sĩ sẽ khác lẽ sống của một người làm nông nghiệp.
Tính chất 2: tính chất thay đổi
Nếu một anh chàng lấy tình yêu của mình làm lẽ sống, làm động lực để sống cuộc đời của anh. Hỏi rằng khi cô bạn gái không còn yêu anh nữa chuyện gì sẽ xảy ra? Có hai trường hợp: một là anh mất đi lẽ sống mình đang có và chết, hai là anh chấp nhận và tiếp tục sống với một lẽ sống mới. Ví dụ này tương tự như trường hợp những người coi thành công về tiền bạc, người coi hạnh phúc gia đình là lẽ sống…
Tính chất 3: lẽ sống có tính không thay đổi
Bạn đã thấy mâu thuẫn rồi đúng không? Ở trên tôi mới nói tính chất thay đổi của lẽ sống tới đây lại nói về sự không thay đổi. Cái không thay đổi của Lẽ sống ở đây chính là việc con người hiểu rõ chính mình và môi trường xung quanh bản thân mình. Chúng ta chính là kết quả của những suy nghĩ, hành động, lời nói của chúng ta và phản ảnh những điều đó lên môi trường xung quanh mình. Khi thấy được điều này một cách sâu sắc, bạn sẽ không còn thấy mâu thuẫn giữa hai tính chất này của Lẽ sống nữa mà chúng dung hòa nhau và cùng tồn tại trong hành trình làm người của mình.
Vậy tóm lại, hãy quay trở về với chính mình để Đi Tìm Lẽ Sống.
Đi tìm lẽ sống
Từ những tính chất của Lẽ sống đã đưa ra ở trên, chúng ta không còn coi Lẽ sống là một cái gì mơ hồ to tát hoặc nằm ở đâu đó cho chúng ta đi tìm kiếm trong hoang mang nữa.
Lẽ sống là đơn giản và ở ngay trong bản thân mình.
Tôi lấy hình ảnh tác giả Viktor Frankl làm ví dụ, Frankl đã mất hết cả gia đình trong nạn diệt chủng người Do Thái của Đức Quốc Xã những năm 1942. Những trải nghiệm trong trại tập trung đem đến nỗi đau tột cùng cả về thể xác và tinh thần cho những tù nhân ở đó. Nếu lẽ sống của ông là gia đình, là thành công, là điều gì đó to tát thì liệu nó có còn là lý do giúp ông vượt qua được điều này? Không! Chính lúc đó Frankl chăm chú theo dõi diễn biến tâm lý mình, cái đau cùng tận trên cơ thể mình, quan sát những người xung quanh, và mọi thứ, một cách tỉ mỉ và chân thật. Sống cùng với những khoảnh khắc đó chính là ý chí sống là lẽ sống của ông lúc ấy.
Kết lại, chúng ta rất khó để định nghĩa thế nào là lẽ sống đúng – sai, thế nào là lẽ sống đẹp – xấu. Tất cả những câu chuyện về lời khuyên, về ý nghĩa cuộc sống, về giá trị sống là những tri thức, kinh nghiệm để tham khảo và dẫn đường. Tôi tin mỗi chúng ta sẽ nhìn thấy lẽ sống ở trong từng giây phút, từng việc mình làm và từng người mình gặp.
Lẽ sống tiếng anh là gì?
Để bàn luận về chủ đề này được kỹ càng và phong phú hơn, Eccthai có tìm hiểu một số thông tin Lẽ sống tiếng anh là gì chia sẻ cùng độc giả. Một số từ tiếng anh có thể biểu hiện nghĩa của Lẽ sống như: Gives life meaning; Meaning; Reason for; Truths to live; Ideals of life.
Tham khảo thêm thông tin được mọi người góp sức chia sẻ trên wikipedia Tiếng Việt tại link này: https://vi.wikipedia.org/wiki/Lẽ_sống
Hy vọng bài viết trên hữu ích với bạn, Eccthai.com mong được trao đổi quan điểm, kinh nghiệm của bạn về chủ đề Lẽ sống này. Hãy để lại những dòng chữ ở phần bình luận cho chúng mình nhé!